chăm sóc khăn Microfiber Detailing

Kinh nghiệm chăm sóc khăn Microfiber Detailing

Ngày đăng: 18/05/2023
Chuyên Mục: Detailing chuyên sâu

Kinh nghiệm chăm sóc khăn Microfiber Detailing

Chắc hẳn bạn đã nắm rõ được tầm quan trọng của khăn Microfiber đối với công việc Detailing trong các bài viết trước của Bro Detailing, bài viết này mình sẽ chỉ cho bạn cách để có thể duy trì tuổi thọ cũng như hiệu suất làm việc cho chiếc khăn Microfiber từ đó tiết kiệm chi phí vật tư bằng kinh nghiệm chăm sóc khăn Microfiber Detailing của Bro Detailing Team. Đặc biệt khi bạn đang sử dụng những chiếc khăn Microfiber chất lượng.

Khăn dùng lần đầu tiên

Hãy bắt đầu quá trình chăm sóc khăn Microfiber Detailing từ những ngày đầu tiên khi bạn vừa mua chiếc khăn về bằng các bước sau đây:

  • Bỏ tag khăn: Tag trên khăn sẽ gây xước bề mặt trong quá trình sử dụng
  • Giặt chung các khăn cùng màu: Khăn mới rất dễ phai màu do đó bạn nên giặt các khăn cùng màu với nhau để khăn ra hết thuốc nhuộm. Chỉ nên giặt chung các khăn khác màu khi nhận thấy khăn không còn bị ra màu trong khi giặt nữa.
  • Giặt khăn trước khi sử dụng: Khăn mới sẽ bám nhiều bụi, lông và hóa chất trong quá trình sản xuất. Do đó, bạn nên giặt khăn để loại bỏ các tạp chất trên.

Khăn sau khi sử dụng

Đây là công đoạn sẽ mất chút thời gian của bạn nhưng nó cũng quyết định sự hiệu quả của quá trình chăm sóc khăn Microfiber Detailing.

Phân loại khăn và làm mềm chất bẩn

Sau khi sử dụng, các loại khăn với mục đích sử dụng khác nhau nên được phân loại riêng ra để quá trình giặt sạch được hiệu quả hơn. Có thể phân loại theo cách của Bro Detailing như sau:

  • Khăn lau khô thân + khăn lau kính (nhóm khăn chất lượng cao, bảo vệ tốt bề mặt, thấm hút tốt, lau vị trí sạch)
  • Khăn lau mâm + Khăn lau khe cửa, bậc cửa + khăn lau khoang máy (nhóm khăn chất lượng thấp trung bình, lau vị trí bẩn)
  • Khăn lau nội thất (nhóm khăn chất lượng thấp trung bình, lau vị trí không quá bẩn)
  • Khăn lau dung dịch đánh bóng, Wax, Sealant, Ceramic (nhóm khăn chất lượng cao, bảo vệ tốt bề mặt, thấm hút tốt)

Sau khi phân loại, các loại khăn này cần được ngâm trong hỗn hợp nước (tốt nhất nên dùng nước ấm để làm mềm tạp chất nhanh hơn) pha với nước giặt khăn Microfiber chuyên dụng (tỷ lệ 1:3) một thời gian trước khi giặt để hạn chế các tạp chất khô và bám cứng trên khăn gây khiến việc làm sạch khăn giảm hiệu quả. Thời gian ngâm tùy vào độ bẩn của khăn từ 10~30 phút.

phân loại khăn microfiber
Kiểm tra máy giặt

Chắc chắn rằng máy giặt hoàn toàn sạch, không còn các tạp chất bẩn hay thành phần chất tẩy rửa hay chất làm mềm vải bên trong trống giặt. Với khả năng hấp thụ tốt, khăn Microfiber sẽ dễ dàng hấp thụ lại các tạp chất trên. Bạn có thể vệ sinh lại trống giặt với dung dịch giặt khăn Microfiber chuyên dụng giấm (Axit Acetic) theo tỉ lệ 1:3. Định kỳ vệ sinh lưới lọc cũng sẽ giúp việc giặt khăn hiệu quả hơn vì các tạp chất bám trên lưới lọc cũng có khả năng bám lại vào khăn khi giặt.

Cho khăn vào máy giặt

Lưu ý rằng khăn Microfiber có khả năng hấp thụ rất tốt lên đến 7 lần trọng lượng bản thân nó. Do đó, bạn không nên cho quá nhiều khăn cùng một lúc sẽ làm giảm hiệu quả giặt. Chỉ cho khăn ở mức trung bình công suất của máy giặt.

Giặt khăn 

Giặt khăn Microfiber đặc biệt hơn so với các giặt thông thường, đa số các chất tẩy trắng và chất làm mềm vải có chứa các thành phần của chất làm sạch có khả năng làm gãy cấu trúc sợi, chất làm mềm vải kẹt trong các lỗ siêu nhỏ của các sợi khăn, dần dần khiến cho khăn Microfiber bị giảm hiệu quả thấm hút sau mỗi lần giặt. Do đó, khi giặt khăn Microfiber không sử dụng chất tẩy trắng, chất tẩy rửa có tính kiềm cao hay chất làm mềm vải.

Tốt nhất nên dùng các loại nước giặt chuyên dụng để giặt khăn Microfiber vì chúng có khả năng làm sạch hiệu quả nhưng không chứa các thành phần chất tẩy hay làm mềm vải. Với thành phần gồm các chất tác dụng bề mặt sẽ giúp dễ dàng loại bỏ các tạp chất bám trên khăn, kéo dài tuổi thọ khăn và đặc biệt chúng không chứa các chất làm hại cho máy giặt. Bạn chỉ cần pha nước giặt khăn chuyên dụng bằng 1/2 hàm lượng nhà sản xuất khuyến cáo là được.

Gyeon Towel wash

Giặt khăn bằng nước lạnh hoặc nước ấm (không quá 40 độ C) đều được. Nước ấm sẽ giúp làm sạch hiệu quả hơn do khả năng làm mềm chất bẩn hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn đã ngâm khăn trong nước ấm trước thì chỉ cần dùng nước lạnh là đủ.

Làm khô và bảo quản khăn

Đây là công đoạn cuối cùng trong quá trình chăm sóc khăn Microfiber Detailing. Cách tốt nhất để làm khô khăn đó là phơi dưới ánh nắng mặt trời. Nếu bạn muốn nhanh hơn có thể dùng máy sấy nhưng chỉ nên sấy ở nhiệt độ thấp. Nhiệt độ cao sẽ khiến khăn mất độ mềm mịndễ gây xước hơn trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, nếu bạn dùng máy sấy, nên phơi khăn khi khăn gần khô để tránh hiện tượng tĩnh điện, nguyên nhân chính gây ra sự bám dính của xơ vải.

Khăn sau khi giặt nên được gấp lại, phân theo từng loại và bảo quản ở những nơi không có bụi như trong tủ hay hộp nhựa có nắp khi không sử dụng vì khăn Microfiber rất dễ bám bụi trở lại.

phân loại khăn tại bro detailing

Nhận định chung

Đó chính là cách duy nhất để bạn có thể chăm sóc khăn Microfiber detailing hiệu quả nhất. Nó sẽ mất thêm một chút thời gian của bạn nhưng sẽ chẳng đáng là bao nếu bạn đã quen cách làm. Hơn nữa, lại giúp bạn có thể sử dụng những chiếc khăn Microfiber trong suốt một thời gian dài từ đó tiết kiệm rất nhiều chi phí cho bạn.

Tìm hiểu thêm thông tin:

Pin It on Pinterest